Dù là 1.000 km trên sa mạc, núi cao hay Nam Cực, Thanh Vũ luôn sẵn sàng dốc hết sức chinh phục, để tìm kiếm phiên bản tốt nhất của mình.
Đầu tháng 8, nữ runner Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ) đã có mặt tại Thụy Sĩ để sẵn sàng bắt đầu chinh phục thử thách lớn nhất của mình trong năm là giải ba môn phối hợp Swiss Ultra với một lộ trình không tưởng. Cô sẽ bơi 38 km, đạp xe 1.800 km và chạy 422 km liên tục trong 14 ngày. Nữ runner lên lộ trình như sau: 27 giờ đầu tiên bơi; đều đặn sau đó là một tuần đạp xe với lộ trình 250-300 km mỗi ngày; 5 ngày còn lại dành cho việc chinh phục ultra marathon, trung bình với hai chặng full marathon mỗi 24 giờ.

Vũ Phương Thanh tham gia giải quốc tế Ultra-Trail du Mont-Blanc (UTMB) tại châu Âu năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Tính ra mỗi ngày tôi chỉ có khoảng 2-4 giờ để ngủ. Còn lại phải dành cho thi đấu. Nếu bị chậm hơn dự kiến ở một môn, tôi phải cố gắng gấp đôi ở các môn còn lại mới đủ sức hoàn thành cuộc đua này”, Thanh Vũ nói.
Những con số và lịch trình dày đặc của runner 32 tuổi khiến nhiều người choáng váng. Khó ai tin một cô gái Việt, nhỏ người đủ sức làm điều này. Nhưng, đây không phải là lần đầu cô tham gia một cuộc đua khắc nghiệt. Vũ Phương Thanh được nhiều người trong cộng đồng chạy bộ biết đến với biệt danh “cô gái chạy vòng quanh thế giới”.
Năm 2016, Thanh Vũ đã chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng 1.000 km trên 4 sa mạc khắc nghiệt nhất hành tinh gồm: Namib ở Namibia (châu Phi); Gobi (sa mạc gió lớn nhất thế giới, thuộc châu Á); Atacama (sa mạc khô nhất) ở châu Nam Mỹ; châu Nam Cực – nơi lạnh nhất thế giới. Tôi hạnh phúc khi trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên làm được điều đó, ở tuổi 26, cô nói.
Lần lượt sau đó, chân chạy với niềm yêu thích chinh phục những hoang dã đã hoàn thành các giải chạy siêu bền đa chặng trên cả bảy lục địa: châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, châu Phi và châu Nam Cực. Cô gái 9x này cũng in dấu giày ở nhiều sân chơi khác như: chạy 522 km qua sa mạc ở Australia năm 2017; 230 km ở Bắc Cực năm 2018; 273 km qua dãy Canyon tại Bắc Mỹ; 170 km qua cung đường tỉnh Solukhumbu, đỉnh Everest năm 2019…
Chia sẻ về lần dự Swiss Ultra tới đây, Thanh Vũ khẳng định bản thân có chút hồi hộp vì vốn sở trường là chinh phục những nơi hoang dã với khí hậu khắc nghiệt, trong khi sự kiện lần này sẽ là nhiều vòng lặp trong một thị trấn nhỏ ở đất nước trung Âu. Điều kiện thi đấu nhiều gió cũng sẽ là một cản trở lớn.
“Tôi vốn không có thế mạnh đạp xe. Nơi tổ chức giải gió lại lớn. Nếu đạp chậm, có khi tôi không còn đủ thời gian để chạy 422 km”, chân chạy 9x chia sẻ.

Vũ Phương Thanh không ngừng chuẩn bị thể lực cho ngày thi đấu chính thức. Ảnh: nhân vật cung cấp
Việc chinh phục những giải chạy không tưởng đến nay trở thành một phần trong lối sống của nữ runner. Cô cho biết bản thân luôn khao khát chinh phục những cột mốc mới và mang theo dấu ấn của Việt Nam trong mọi giải đấu mà mình góp mặt. Hơn thế, qua mỗi giải đấu, cô luôn trăn trở với khát khao trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Với Swiss Ultra, Thanh Vũ có sự chuẩn bị kỹ về mặt thể lực. Cô duy trì tập luyện đều đặn theo giáo án của HLV. Thỉnh thoảng, cô tự thiết kế riêng cho mình một thử thách khắc nghiệt để kiểm chứng thành quả. Chẳng hạn, cô tự đặt mục tiêu tập luyện ba ngày liên tiếp. Ngày đầu tiên là bơi 27km; ngày thứ hai là thử thách 12 giờ leo cầu thang liên tục trong tòa nhà 34 tầng; ngày cuối là chạy 100 km. Những màn “tra tấn thể lực” với người bình thường trở thành một “món ăn” hấp dẫn với Thanh Vũ.
Việc tiếp nước và điện giải cũng được chân chạy đặc biệt quan tâm nhất là khi cô đã trải qua một bài học vỡ lòng tại Ultra Trail Mont Blanc năm 2017. Tại giải năm đó, cô đã hoàn thành 143 km qua hàng chục dãy đồi đầy gió, mưa tuyết và chỉ còn cách đích 24 km. Một khoảng cách nhỏ nếu so với những cự ly từng chinh phục trước đây. Thế nhưng, cô bị co giật mất kiểm soát và trực thăng cứu hộ phải cấp tốc đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Thanh Vũ từng mất nước khi thi đấu tại Ultra-Trail du Mont-Blanc. Ảnh: nhân vật cung cấp
Nguyên nhân là đêm trước đó trời mưa, không khí lạnh, ẩm khiến cô gái khi đó mới 27 tuổi quên cả việc tiếp nước và điện giải. Cô bị hạ muối huyết vì tiết mồ hôi nhiều, gây đau đầu, buồn nôn, giảm khả năng suy nghĩ hoặc mất thăng bằng. Ở mức độ nguy hiểm hơn, tình trạng này có dẫn đến rối loạn, co giật và hôn mê. Sau sự cố, 9x luôn bổ sung đủ nước và chất điện giải mỗi lần tập luyện và thi đấu. Nữ vận động viên thường chọn các loại nước có chứa Potassium (K+), Sodium (Na+), Chloride (Cl)… chẳng hạn như Number1 Active Chanh muối để đồng hành. Thức uống này giúp nạp đầy đủ nước và khoáng chất thiết yếu, giúp cô bền bỉ, dẻo dai hơn mỗi lần chinh phục những cột mốc khó khăn.
Song, chân chạy này lại khẳng định thể lực hay sức bền chỉ chiếm 20% trong những yếu tố làm nên một vận động viên giỏi. 80% còn lại là ý chí ngoan cường và không chịu bỏ cuộc. “Ý chí mạnh mẽ sẽ được hình thành qua từng giải đấu. Tôi luôn chọn giải sau phải nặng đô hơn giải trước để tôi luyện ý chí, nỗ lực cho bản thân. Đó cũng là cách tôi tìm kiếm giới hạn và trở thành phiên bản tốt nhất của mình”.
Kỳ thực, nếu không có ý chí, Thanh Vũ chắc chắn đã nhiều lần bỏ cuộc. Trong các cuộc thi trên sa mạc hay núi cao với lộ trình dài ngày, xung quanh là “đồng không mông quạnh”, không ít lần nữ runner đã bật khóc vì chân phù nề, gối đau nhức và toàn thân kiệt quệ. “Lúc đó, tôi nghĩ về lý do mình có mặt và biết ơn vì sự nỗ lực của bản thân. Nhiều giải trong vài trăm kilomet cuối, tôi hoàn thành chỉ bằng niềm tin của bản thân chứ không phải bằng sức khỏe thể chất nữa”, Thanh nói.
Lức này chân chạy 32 tuổi vẫn là một trong số ít những người trên khắp thế giới đạt được những cột mốc này. Song runner 9x lại không mảy may quan tâm đến thành tích. Điều duy nhất cô luôn khẳng định là mong muốn được chạy và truyền cảm hứng cho nhiều người. “Có những người 60, 70 thậm chí là 80 tuổi vẫn tham gia các giải này. Đó là minh chứng sống cho việc chỉ cần có ý chí đủ lớn, chúng ta có thể làm mọi việc. Mỗi người, ở một phương diện nào đó vẫn là một chiến binh và đang nỗ lực để trở nên tốt nhất”, Thanh Vũ chia sẻ.

Nữ runner đặt mục tiêu “trở thành phiên bản tốt nhất” với sự đồng hành của Number 1. Ảnh: nhân vật cung cấp
Tham gia những cuộc đua không tưởng theo Thanh ví von là cách cô mở đường và tiếp thêm động lực, dũng khí cho những người xung quanh phá bỏ đi rào cản của bản thân, không chỉ là trong việc chạy mà là ở mọi mặt cuộc sống. Bí quyết để thành công theo cô gái sinh năm 1990 là việc dám nghĩ, dám làm. Dù là những công việc nhỏ nhặt hay ước mơ thay đổi hiện tại, bước đầu tiên trên hành trình thực hiện luôn bắt đầu bằng việc “dám nghĩ” và vượt qua tâm lý “đổ lỗi do hoàn cảnh”.
“Tôi nghĩ thành công trước tiên là việc dám tiến thêm một bước về phía trước và không sợ những thất bại. Với tôi, chiến thắng vĩ đại nhất không nằm ở những tấm huy chương hay thành tích mà là chiến thắng chính bản thân mình để trở thành phiên bản tốt nhất”, Thanh Vũ khẳng định.
Hoài Phương