Mang theo phao, chọn vùng nước lặng là hai trong nhiều lời khuyên được chuyên trang Outdoor Swimmer đưa ra giúp trẻ thích nghi với việc bơi biển.
Theo Outdoor Swimmer, an toàn là yếu tố phải đặt lên hàng đầu khi bơi trên biển, đặc biệt với trẻ em. Nếu muốn cho trẻ tập làm quen với môi trường này, hãy chọn những vùng nước nông, lặng sóng, bãi cát thoải. Cùng con chơi những trò chơi dưới nước để chúng cảm nhận được sự thú vị của đại dương. Sau khi đã làm quen và thích nghi, trẻ sẽ tự tin khám phá những vùng nước sâu hơn và chinh phục những mục tiêu xa hơn.
Không nên bơi sau những trận mưa lớn vì nước lúc này có xu hướng chảy xiết, chất lượng nước kém hơn, mang theo nhiều rác và những sinh vật cản trở không gian hoạt động. Trước khi cho trẻ xuống nước, cần kiểm tra độ sâu, dòng chảy, rác hay xung quanh khu vực đó. Với những bé lần đầu tập ngoài trời, bố mẹ nên ở cách con tối đa 100m để làm chỗ dựa tinh thần để trẻ an tâm hơn.
Outdoor Swimmer cho rằng, khi ở dưới nước, thân nhiệt của trẻ em điều hòa kém hơn người lớn. Khác với việc bơi trong nhà kín, con trẻ sẽ tác động bởi các yếu tố nắng, gió khi ở ngoài trời. Nếu thấy con có biểu hiện run, môi tím, người lớn cần đưa trẻ lên bờ và làm ấm. Để hạn chế tình trạng nhiễm lạnh, trước khi xuống nước hãy cùng bé khởi động thật kỹ, làm nóng cơ thể. Luôn mang theo khăn, áo lau khô, ủ ấm cho trẻ ngay khi chúng rời nước.

Trẻ mặc wetsuit và phao an toàn khi bơi. Ảnh: pinterest
Aquaman Vietnam, giải đấu hai môn phối hợp lần đầu tiên tổ chức thu hút nhiều trẻ em từ 6 đến 10 tuổi tham gia. Các bé sẽ tranh tài ở cự ly bơi 200m trên biển và chạy 1km. Sau khi lên bờ, VĐV nhí bước ngay vào phần chạy 1km. Trong một cuộc đua như vậy, các bé sẽ không kịp làm khô người và thay quần áo ngay khi lên bờ, để ngăn không cho nước xâm nhập làm nhiễm lạnh, phụ huynh nên trang bị cho con bộ wetsuit (đồ bơi dành cho điều kiện nhiệt lạnh) để thi đấu. Bộ trang phục này có tác dụng giữ ấm cơ thể, làm người nổi hơn ở dưới nước.
Bơi ở biển khắc nghiệt hơn so với trong nhà. Trẻ cần có một thể trạng tốt mới có thể an toàn chinh phục chặng đua này. Với những em nhỏ chỉ có điều kiện tập ở bể, phụ huynh nên rèn luyện cho con bơi khoảng 500 đến 1000m liên tục không dừng. Vì ở trong hồ, khi mệt có thể dừng lại bám vào thành bể nghỉ ngơi, ở biển không có những điểm bám nghỉ như vậy. Các huấn luyện viên khuyến cáo nên trang bị phao cho trẻ mỗi khi xuống nước vừa đảm bảo an toàn, giúp chúng tự tin hơn.
Mang nước uống để bổ sung cho trẻ sau mỗi 100m hoặc 10 phút vì độ mặn của nước biển sẽ khiến trẻ nhanh khát nước. Bên cạnh đó, vận động dưới nước làm tiêu hao năng lượng khá nhiều nên cần nạp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trước khi xuống nước ít nhất 30 phút. Cung cấp đủ nước và năng lượng thể lực của trẻ sẽ được duy trì tốt hơn cho đến cuối chặng đua.
Bơi ở biển không chỉ giúp cải thiện thể chất cho con trẻ, đây là phương pháp rèn ý chí, tinh thần cho các bé. Quan trọng nhất, đây là kỹ năng có thể cứu sống trẻ nếu không may xảy ra tại nạn dưới nước.

Biển Trà Cổ – khu vực diễn ra phần thi bơi của Aquaman Vietnam. Ảnh: AV
Aquaman Vietnam diễn ra vào tháng 10 tại khu vực biển Trà Cổ (thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Với lợi thế lặng sóng, bãi phẳng, đây là nơi lý tưởng để trở thành đường đua dưới nước.
Ngoài cự ly bơi 200m, chạy 1km dành cho trẻ em, giải còn có các cự ly Aquaman, Half Aqua và Sprint Aqua dành cho người lớn với thể thức thi đấu cá nhân, đồng đội. Đây là cơ hội để các gia đình cùng nhau hòa vào không khí sôi động một sự kiện thể thao, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ. Độc giả quan tâm có thể theo dõi tại đây.
Thanh Lan